MÀU SẮC VÀ CÁC SẮC ĐỘ
- Tính chất vai trò của các loại màu
Màu chính còn gọi là màu nguyên thủy, màu căn bản, màu bậc 1 (Primary Colors, Fondamental Colors):
Ba màu chính, màu nguyên thủy hay màu bậc 1 là các màu sau: Vàng chanh, Đỏ và Xanh lam (Xanh da trời).
Tại sao gọi là ba màu Vàng chanh, Đỏ và Xanh lam là ba màu chính, màu nguyên thủy, màu căn bản, màu gốc, màu bậc 1.
Về mặt lý thuyết cơ bản về màu sắc, chúng ta gọi chúng là ba màu gốc, màu chính, màu căn bản là vì từ ba màu này mà chúng ta pha ra các màu khác, và không có màu nào pha ra được nó cả (màu nguyên thủy, màu chính).
Đây là định nghĩa đã có từ lâu rồi, nó có giá trị tương đối và được dùng làm cơ sở lý luận để giảng giải về màu sắc.
Bởi lẽ, ngày nay, lĩnh vực công nghệ hóa màu đã có sự tiến bộ vượt bậc về sự nghiên cứu và sáng tạo màu.
Và giờ phút này, với sự sản xuất của công nghệ này đã có những màu được tạo ra mà ba màu chính nói trên không pha ra được. Thí dụ: màu dạ quang Vàng chanh, Cam, Đỏ hồng…
Ghi chú: Như đã nói ở trên, trong ba màu này, thì Vàng chanh là màu có quang độ sáng nhất còn hai màu Đỏ và màu Lam thì có quang độ bằng nhau (chúng ta sẽ thấy điều này khi chụp bằng máy ảnh với phim đen trắng). Tuy nhiên, nếu xét về cường độ thì màu Vàng chanh lại không mạnh, để lẫn với màu trắng khi nhìn ở xa.
Khi nói về khái niệm màu chính, màu gốc thì mỗi lĩnh vực đều có cách tính và tên gọi riêng hoàn toàn không giống nhau.
Sau đây là tên gọi và sự nhận diện chúng theo từng lĩnh vực nghệ thuật và khoa học như sau:
* Ba màu chính trong lĩnh vực mỹ thuật bao gồm Vàng chanh (Lemon Yellow), màu Đỏ (Red), màu Xanh lam (Blue).
* Ba màu chính trong nghệ thuật truyền hình gồm màu Đỏ (Red), màu Xanh lá (Green), màu Xanh lam (Blue); gọi tắt là RGB. Ba màu RGB cũng được khoa học nhiếp ảnh gọi là “tổng hợp động”. Nó là hệ màu quang phổ.
* Màu trong Computer và in ấn bao gồm bốn màu như sau: màu Xanh lam biếc (Cyan), màu Đỏ cánh sen (Magenta), màu Vàng (Yellow) và màu Đen (Black).
Viết tắt C, M, Y, K (màu Đen viết tắt là K chứ không phải B, vì Blue và Black vốn trùng lặp với chữ viết tắt đầu là “B” rồi).
Tuy nhiên, khi xuất phim in ấn, người ta thường xuất theo hệ xuất theo hệ CMYK.
Trong lĩnh vực Nghệ thuật nhiếp ảnh thì danh từ “tổng hợp trừ” được dùng để gọi ba màu CMY.
- Màu bậc 2, còn gọi là màu phụ hay màu bổ túc (Secondary Colors, Complementary Colors):
Màu bổ túc, màu phụ, màu bậc 2 gồm có ba màu sau đây: Cam, Tím, Lục (Xanh lá cây). Qua tên gọi này, có ba vấn đề cần quan tâm đúng mức như sau:
* Gọi ba màu này là màu bậc 2 vì chúng được tạo ra bằng cách pha trộn hai màu bậc 1 đứng cạnh nhau (pha với cân lượng gần như bằng nhau mà ra).
* Gọi ba màu này là màu bổ túc hay màu phụ (Complementary Colors) bởi vì ba màu bậc 2 bổ sung dưới dạng xung hợp làm tôn ba màu bậc 1 theo từng cặp như sau:
* Vàng chanh được màu Tím bổ túc (màu Tím đặt cạnh màu Vàng sẽ làm tôn màu Vàng lên).
* Màu Đỏ được màu Xanh lục bổ túc (màu Xanh lục, Xanh lá cây đặt cạnh màu Đỏ sẽ làm tôn màu Đỏ lên).
* Màu Xanh lam được màu Cam bổ túc (màu Cam đặt cạnh màu Xanh lam sẽ làm tôn Xanh lam hay Xanh da trời lên). Sau đây là công thức tạo ra ba màu bậc 2:
– Màu Cam = Vàng chanh + Đỏ (bậc 1 + bậc 1)
– Màu Tím = Đỏ + Lam (bậc 1 + bậc 1)
– Màu Lục = Lam + Vàng chanh (bậc 1 + bậc 1)
Ý nghĩa của từ “bổ túc”, “bổ sung”, “phụ” là vì hai màu bậc 1 và bậc 2 đối diện nhau trên vòng thuần sắc thì bổ sung cho nhau.
Chúng ta gọi đây là cặp màu bổ túc trực diện. Khi sắp xếp hai màu này gần nhau, thì màu này làm nổi màu kia.
Sở dĩ là gọi màu bổ túc hay màu phụ vì các thí dụ sau đây:
* Nếu chúng ta có các hình tròn tô các màu Vàng, Đỏ, Lam, Cam, Tím, Xanh lá cây và sau đó, chúng ta nhìn chăm chú mỗi màu chừng 10 phút, khi ấy chúng ta có cảm nhận hình như xung quanh màu Vàng còn ửng màu Tím, xung quanh màu Đỏ ửng màu Xanh lục, xung quanh màu Cam ửng màu Lam, xung quanh màu Xanh lá cây ửng màu Đỏ.
Đây là một hiện tượng có thật do thị ảo giác về màu sắc tạo ra. Nếu nói theo triết học, thì có thể gọi nó như là một cặp mâu thuẫn cơ bản của màu sắc.
Sơ đồ màu chuyển từ hình ngôi sao 6 cánh sang hình vành khăn
- Màu bậc 3 (Tertiary Colors):
Trên hệ thống Vòng thuần sắc thì màu bậc 3 là những màu có được do sự pha trộn giữa từng cặp màu bậc 1 và 2, 2 và 1 với nhau.
Chúng ta có 6 màu bậc 3 nằm xen giữa màu bậc 1 và bậc 2 như:
– Vàng nghệ (Safran) = Vàng chanh + Cam
– Đỏ cam (Cabucine) = Cam + Đỏ
– Tím đỏ (Grénat) = Đỏ + Tím
– Chàm (Capanul) = Tím + Lam
– Lam lục (Turquois) = Lam + Lục
– Lá mạ (Soufre) = Lục + Vàng chanh
Có thể nói là: màu bậc 3 là trung gian của hai màu bậc 1 và màu bậc 2.
– Vàng nghệ (giữa Vàng với Cam)
– Đỏ cam (giữa Cam và Đỏ)
– Tím đỏ (giữa Đỏ và Tím)
– Tím xanh hay màu chàm (giữa Tím và Lam)
– Lam lục (giữa Lam và Lục)
– Xanh đọt chuối (giữa Lục và Vàng)
- Màu bậc 4:
Giữa các màu bậc 1 và 3, 2 và 3 là các màu bậc 4. Có tất cả 12 màu bậc 4. Chúng có được là do sự pha trộn giữa màu bậc 1 và 3 hay 2 và 3 với phân lượng gần bằng nhau mà ra.
Từ cách này ta cũng có thể thêm 24 màu bậc 5 hay 48 màu bậc 6… Như vậy thì số lượng màu nguyên sắc, màu tươi (Hue) trên Vòng thuần sắc (Chromatique Circle) sẽ có sự liên kết vô cùng mạch lạc và phong phú.
Vì thế, trên Vòng thuần sắc thì các màu bậc 4, 5, 6 có vai trò như là những màu trung gian.
- Màu trung gian (Intermediary Colors):
Trên Vòng thuần sắc, nếu phân tích kỹ thì các màu bậc 2 là màu trung gian của hai mầu bậc 1 đứng cạnh nhau.
Các màu bậc 3 là trung gian của hai màu bậc 1 và bậc 2 đứng cạnh nhau.
Các màu bậc 4 là trung gian của hai màu bậc 1 và bậc 3, bậc 3 và bậc 2, bậc 2 và bậc 3.
Cứ như thế ta pha màu:
Bậc 1 với Bậc 4 = Bậc 5
Bậc 4 với Bậc 3 = Bậc 5
Bậc 3 với Bậc 4 = Bậc 5
Bậc 4 với Bậc 2 = Bậc 5
Ghi chú: B1 là Bậc 1, B2 là Bậc 2, B3 là Bậc 3, B4 là Bậc 4.
Như vậy, các màu trung gian trên vòng thuần sắc có được là do sự pha trộn của hai màu đang đứng cạnh nhau: B1 và B1, B1 và B2, B2 và B1, B1 với B3, B3 với B2, B2 với B3, B2 với B4, B4 với B3, B4 với B1 pha với cân lượng gần như bằng nhau.
Trên thực tế sử dụng thì màu trung gian là màu thứ ba, có được là do sự pha trộn của hai màu đang đứng gần nhau, đang có sự chênh lệch nhau về màu hay về sắc.
Trong khi sử dụng, không nhất thiết phải pha trộn hai màu dự định với cân lượng bằng nhau. Lượng màu nào nhiều cũng được, miễn là màu trung gian ấy vừa tạo được sự kết nối giữa hai màu đã pha ra nó và màu thứ ba (vừa được pha ra) hòa hợp với tổng thể, màu chủ đạo, chủ sắc là được.
Tóm lại, màu trung gian có được là do sự pha trộn của hai màu đứng cạnh nhau. Nó nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ với nhau của hai màu đầu tiên đứng kế nhau, làm cho hai màu ấy có sự liên lạc một cách dịu dàng với nhau.
- Màu nguyên sắc (Hue):
Đây dùng để chỉ tất cả các màu từ bậc 1 đến bậc 2, bậc 3, bậc 4, bậc 5, bậc 6… trên Vòng thuần sắc.
Sở dĩ gọi là màu nguyên sắc là vì tất cả đều còn giữ nguyên độ tươi thắm (nguyên chất) vì chưa được pha trộn với Trắng hay Đen.
Tất cả các màu nguyên sắc (Hue) đều nằm trên vòng Thuần sắc (Chromatique Circle). Khi nói đến màu sắc mà dùng từ ngữ này chúng ta có thể nói chúng là những màu nguyên chất, là màu đang ở trạng thái chuẩn.
- Màu hợp tố:
Tên gọi màu hợp tố để chỉ chung tất cả những màu, mà kết quả là do sự pha trộn của hai hoặc ba nguyên sắc với nhau.
- Màu lạnh (Cold Colors):
Là những màu nghiêng về sắc xanh trên Vòng thuần sắc, nó là ½ vòng tròn kể từ Tím đỏ đến màu Vàng ửng xanh đọt chuối.
- Màu nóng (Warm Colors):
Là những màu nghiêng về Vàng, Cam, Đỏ, Tím đỏ. Trên vòng thuần sắc, nó chiếm từ Xanh đọt chuối đến Tím đỏ (còn gọi là màu huyết dụ) ½ vòng tròn.
Nói rộng hơn thì một màu nóng nào cho dù đã pha với Trắng (để có độ sáng hơn), pha với Đen (để có độ đậm hơn) hay pha với một ít màu Xám thì nó cũng còn thuộc về màu nóng.
Nghĩa là các màu Vàng đất, Cam nhạt, Vàng đất nhạt, Nâu, Nâu nhạt, Đỏ hồng, Đỏ huyết dụ nhạt, Đỏ gạch tôm, Vàng nghệ đậm, Hồng quân, Đỏ xác pháo, Đỏ cánh sen… đều thuộc màu nóng.
Nhìn vào Vòng thuần sắc thì nửa bên trái thuộc màu nóng, nửa bên phải thuộc màu lạnh.
Giữa màu nóng và màu lạnh thì màu nóng có nhiều độ sáng hơn nên có vẻ nóng, màu lạnh ít quang hơn. Màu nóng gợi cảm giác kéo sự vật, không gian gần lại. Nó có sức kích thích thị giác rất mạnh, còn màu lạnh thì tạo cảm giác xa ra.
Như vậy màu nóng và màu lạnh đã thay thế cho màu Đen và màu Trắng để diễn tả chỗ sáng và bóng tối. Điều này đã được các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng sử dụng một cách đặc biệt.
Chính phái Ấn tượng đến các trường phái hiện đại được gọi sự chuyển màu để diễn tả ánh áng theo kiểu này. Ví dụ các họa sĩ theo trường phái Dã thú (Fauvism).
Xưa kia các họa sĩ trường phái Ấn tượng đều chỉ dùng độ đậm, nhạt của một màu, dạng màu đơn sắc để diễn tả các độ bóng trong tranh của họ.
- Màu trung tính (Neutral Colors):
Màu trung tính là màu không thuộc nóng hay lạnh, nó là màu xám.
Ngoài ra các màu: Đen, Trắng thì màu Nhũ vàng, nhũ bạc … cũng là màu trung tính. Về màu Xám thì chúng ta cần quan tâm đến hai nguồn gốc sau đây. Nguồn gốc của màu Xám như sau:
* Gốc thứ nhất: Màu Xám có được là do sự pha trộn giữa hai màu: màu Đen và Trắng. Đó là màu Xám tro, màu Xám này khó sử dụng để phối hợp vào các gam màu nóng hay lạnh.
Bởi lẽ, nó là một dạng trung tính tuyệt đối. Cho nên, theo kinh nghiệm ứng dụng, khi đặt màu Xám loại này vào gam màu nào thì nên pha thêm vào đó một ít sắc màu của màu chủ đạo. Ví dụ màu chủ đạo là nóng thì pha vào màu Xám ấy một vài giọt màu nóng bất kỳ. Khi phối hợp gam màu lạnh cũng dùng biện pháp pha thêm một vài giọt màu lạnh…
* Gốc thứ nhì: Xám là do sự pha trộn lẫn giữa ba màu chính vào với nhau. Nói như vậy, cũng có nghĩa là hai màu tương phản pha lại với nhau, với cân lượng bằng nhau sẽ cho ra màu Xám.
Đây là một màu Xám, được gọi là màu Xám đẹp, vì màu Xám loại này dễ phối trí với các màu khác hơn là màu xám pha từ đen và trắng. Màu Xám này có khi có ửng hơi ấm hay hơi lạnh. Nó là màu Xám dễ phối hợp vào các hòa sắc khác. Để dễ hòa hợp thì trong hòa sắc nóng thì màu Xám nên có môt tí ửng nóng; trong hòa sắc lạnh thì màu Xám nên có một tí ửng lạnh.
Từ lý luận nói trên thì màu Xám loại này (là do hai màu tương phản pha chung lại với nhau) có thể do sự pha trộn sau:
– Xám: Đỏ + Lục (Vàng chanh + Xanh lam)
– Xám: Lam + Cam (Vàng + Đỏ)
– Xám: Vàng + Tím (Đỏ + Xanh lam)
Về quang học, dựa vào sự tách màu Trắng ra bảy sắc cầu vồng như đã nói, bác học Newton đã đưa ra lý luận rằng đặt bảy màu sắc cầu vồng lên đĩa và cho quay nhanh thì sẽ cho ra màu Trắng.
Thật ra đây là sự lý luận loại suy vì đó thuộc phạm vi lý luận lôgic về “Màu ánh sáng” chứ không phải các loại màu sơn, màu vẽ (loại màu có được là do con người chế tạo thông qua các thao tác thủ công hay bằng các công nghệ hóa màu hiện đại).
Như vậy, màu sắc mà các họa sĩ các nhà trang trí các thợ sơn sử dụng không phải là dạng quang học mà là những màu được chế tạo từ vật chất vô cơ hay hữu cơ cụ thể.
Cho nên nếu pha trộn ba màu chính pha chung lại với nhau, hoặc lấy hai màu tương phản pha với nhau cũng cho ra màu xám (màu xỉn).
Do đó:
Tím (Đỏ + Lam) + Vàng Chanh = Xám
Cam (Đỏ + Vàng) + Xanh Lam = Xám
Lục (Vàng + Lam) + Đỏ = Xám
Vai trò, vị trí của màu Xám:
Trong khi màu trung gian (Intermeidary Colors) có vai trò điều hòa tạo sự liên kết, sự chuyển tiếp mạch lạc cho hai màu vốn pha ra nó, thì màu trung tính có vai trò khác hẳn. Màu trung tính (Neutral Colors), được người ta sử dụng với chức năng làm tăng độ chắc chắn, đậm đà và độ tươi cho hòa sắc, cho gam màu ở những tình huống như sau:
Khi hòa sắc đang bị lạnh quá, muốn giảm bớt lạnh người ta có thể dùng màu trắng, đen hoặc xám nhạt xen vào.
Khi hòa sắc đang bị nóng bức quá, độ nóng đang dậy lên thì chúng ta dùng màu đen hoặc xám đậm xen vào. Khi ấy màu sẽ trầm lại, chắc lại và tăng độ tươi thắm hơn (có trường hợp các hòa sắc nóng lạnh).
Trường hợp hòa sắc nóng và lạnh tương phản nhau mãnh liệt, thì chúng ta có thể dùng màu đen, trắng hoặc xám xen vào để làm giảm bớt sự tương phản ấy.
- Màu tương phản (Contrary Colors):
Màu tương phản là màu có sự đối nghịch nhau về bản chất và một số hình thái vừa cụ thể vừa tinh tế.
Có nhiều dạng tương phản sau đây mà chúng ta cần lưu ý khi phối hợp màu sắc:
- Tương phản về tính chất nóng lạnh hay tương phản về nhiệt độ.
Sự tương phản này thường các họa sĩ quan tâm bởi lẽ nó tạo nên sự sống động và chiều sâu của không gian.
- Tương phản về độ đậm hoặc nhạt của một màu.
Trong sáng tạo nghệ thuật thị giác thì các yêu cầu về thực hành thì việc xác định thật sớm sắc chủ đạo (chủ sắc) dựa theo sự dánh giá loại sắc độ nào chiếm diện tích lớn nhất trong toàn bộ diện tích bức tranh cũng là điều quan trọng trong phương pháp hòa hợp màu đơn sắc (Monochrome Harmony).
- Tương phản về diện tích lớn nhỏ của mảng màu.
- Tương phản về cường độ tươi tái, độ rực hay xỉn của màu.
- Tương phản về độ rõ, độ mờ của màu sắc.
Ngoài ra, còn có một số thuật ngữ đề cập đến những hình thái tương phản được mở rộng như sau:
– Tương phản về nhiệt độ (Temperature Contrast):
Thí dụ một hình vẽ hoa có màu đỏ tươi cạnh các nhóm lá cây bị tái xanh. Như vậy nhiệt độ của màu đỏ mạnh hơn màu xanh bị tái xỉn. Một thí dụ khác, chúng ta có bức tranh tĩnh vật vẽ những trái táo màu đỏ đặt trên nền vải cũng màu đỏ cam. Hình tượng này cho chúng ta cảm giác nóng rực của màu hơn là bức tĩnh vật những hoa xanh Tím trên nên vải màu Xanh lam.
– Tương phản bổ sung (Complementary Contrast):
Thí dụ chúng ta đặt một vật thể có màu đỏ tươi trên nền xanh lục đậm thì hai màu này được gợi là tương phản bổ sung không giống như đặt chúng ta đặt vật thể màu vàng chanh trên nền màu đen.
Ngoài ra tương phản bổ sung trong ứng dụng của nghệ thuật thị giác còn có nghĩa là sự tương phản của tính chất này làm bật tính chất của vật kia. Thí dụ những sự yên tĩnh do cách phối hợp màu sắc có sắc độ chênh lệch hay tương phản nhẹ (Minimum Contrast) ít làm nổi bật tính chất động của các sắc màu có sự tương phản mạnh (Maximum Contrast) đang gây trạng thái xôn xao, nhảy múa, náo nhiệt.
– Tương phản về số lượng (Quantity Contrast):
Thí dụ chúng ta đặt hai nhóm trái cây, một nhóm có chín trái cây màu đậm bên cạnh một nhóm có ba trái màu nhạt. Sự tương phản này thường dẫn tới tình trạng không thăng bằng và tạo sức hút thị giác.
– Tương phản đồng thời (Simultaneous Contrast):
Thí dụ cùng một lúc chúng ta sử dụng hai dạng tương phản trong cùng một bức tranh trang trí: Thứ nhất là dạng tương phản không phải là tương phản bổ túc mà là tương phản về cường độ hay độ đậm nhạt. Thứ hai là dạng tương phản bổ túc (Complementary Contrast). Hai dạng này đồng thời xuất hiện tạo sự thu hút thị giác.
Tuy nhiên khi ấy, dạng tương phản bổ túc sẽ gợi lên sự sinh động, tạo sức sống cho bức tranh.
– Tương phản liên tục (Successive Contrast):
Đây là dạng tương phản được gọi là tương phản nối tiếp, liên tiếp. Đó là trạng thái ảo giác dưới dạng dư ảnh xuất hiện trên võng mạc của thị giác sau khi chăm chú nhìn lâu vào một trong các màu chính. Nghĩa là sau khi nhìn lâu vào một màu chính, thì trong võng mạc chúng ta sẽ xuất hiện dư ảnh là màu bổ túc với màu vừa được nhìn.
Thí dụ: Chúng ta sẽ có dư ảnh màu tím tươi sau khi nhìn lâu vào màu vàng; dư ảnh mà xanh lục nhạt sau khi nhìn lâu vào màu đỏ tươi; dư ảnh là màu cam nhạt sau khi nhìn lâu vào màu Lam tươi.
– Tương phản tổng hợp (Mixed Contrast):
Hiệu quả của sự nhìn lâu vào một trong ba màu bổ túc hay còn gọi là ba màu bậc 2 và dư ảnh sẽ xuất hiện một trong ba màu chính tương ứng theo cặp màu bổ túc. Thí dụ sau khi nhìn lâu vào màu Cam thì dư ảnh sẽ có là màu Lam nhạt; khi nhìn lâu vào màu Lục tươi thì chúng ta sẽ có dược dư ảnh về màu Đỏ; khi nhìn vào màu tím tươi ta sẽ có dư ảnh là màu Vàng chanh. Tình huống này còn được gọi là sự tương phản tổng hợp (Mixed Contrast).
Từ những dạng tương phản này, khi phối hợp màu sắc, chúng ta cũng nên quan tâm xử lý các hình thái tương phản thật cụ thể.
Trong thực tế đời sống của vũ trụ và của muôn loài trong đó có con người thì sự tương phản, sự mâu thuẫn được coi như là một nguyên lý tồn tại của vạn vật, là bản chất của cuộc sống. Nó là một quy luật, là nguyên lý cần thiết cho sự vận động biến hóa, sinh sôi của muôn loài.
Do đó, hai màu tương phản còn có nghĩa là một cặp mâu thuẫn bổ sung cho nhau. Khi đặt cạnh nhau thì nó làm tôn nhau lên.
Trên Vòng thuần sắc chúng ta có ba cặp màu tương phản chính là:
– Màu Đỏ tương phản với màu Xanh lục, nghĩa là màu Đỏ sẽ nổi bật khi đứng gần màu Xanh lục và ngược lại (với điều kiện chúng ta nên lưu ý các lời khuyên khi hòa hợp hai màu tương phản).
– Màu Vàng chanh tương phản với màu Tím, nghĩa là màu Vàng sẽ nổi bật khi đứng gần màu Tím và ngược lại (với điều kiện chúng ta nên lưu ý các lời khuyên khi khi hòa hợp hai màu tương phản).
– Màu Xanh lam tương phản với màu Cam, nghĩa là màu Xanh lam (Xanh da trời) sẽ nổi bật khi đứng gần màu Cam và ngược lại (với điều kiện chúng ta nên lưu ý các lời khuyên khi khi hòa hợp hai màu tương phản).
Qua phân tích về sự tương phản của ba cặp màu vừa kể trên phạm vi lý thuyết của Vòng thuần sắc thì chúng ta thấy rằng:
Một màu nào đó muốn được nổi bật, được kích thích mạnh thì cần phải có sự hỗ trợ bằng cách phối hợp nó với màu tương phản trực tiếp như ba cặp vừa kể.
Ngoài ba cặp màu tương phản nói trên, còn có những màu khi đặt gần nhau cũng gây một sự tương phản rất mạnh. Đó là các màu sau đây:
Do ba ý tương phản nói trên, trong kinh nghiệm bố trí hòa hợp từng cặp màu tương phản lại với nhau thì nên tránh:
– Không bao giờ được đặt, phối hợp hai màu tương phản có cường độ bằng nhau. Phải có một tươi một tái.
– Không bao giờ được đặt, phối hợp hai màu tương phản có độ đậm hay nhạt bằng nhau. Phải có một bên đậm, bên nhạt.
– Không bao giờ được đặt, phối hợp hai màu tương phản có diện tích bằng nhau. Phải có một bên lớn, một bên nhỏ.
Do đó, về nguyên tắc phối màu thì:
– Đỏ đậm đi với Lục tươi
– Đỏ tươi đi với Lục đậm
– Vàng tươi đi với Tím đậm
– Tím tươi đi với Vàng đậm
– Lam tươi đi với Cam đậm
– Lam đạm đi với Cam tươi (nhạt)
Ghi chú: Trong phối hợp màu sắc, có khi chúng ta chỉ thực hành phối hợp những sắc độ, đậm (do pha với màu Đen), nhạt (do pha với màu Trắng), tái (do cùng một lúc pha vừa với màu Đen và màu Trắng; nghĩa là pha với màu Xám).
- Màu bổ sung kép (Double Complementary Colors):
* Màu bổ sung kép hay còn gọi bổ sung xen kẽ là gì?
Trên phạm vi hình vành khăn của Vòng thuần sắc chúng ta thường nói hai màu đối diện nhau thông qua tâm điểm vốn bổ sung trực tiếp cho nhau.
Nếu nói theo mắt nhìn thì là hai màu đối diện nhau thông qua tâm của hình vành khăn. Còn nếu nói theo dạng hình học thì hai màu có góc đối đỉnh với nhau. Nghĩa là mỗi phía chỉ có một màu và màu bên này bổ sung, làm tôn màu bên kia lên và ngược lại.
Như vậy, ở trường hợp hai màu đối diện bổ sung cho nhau nghĩa là lúc này chúng ta có một tổ hợp màu mà trong đó hàm chứa hai màu mà thôi.
Gọi là màu bổ sung xen kẽ, có nghĩa là nó không phải là màu bổ sung nằm ở vị trí đối diện trực tiếp mà ở vị trí hơi lệch sang hai bên.
Gọi là màu bổ sung kép có nghĩa là hai màu này bổ sung cho một màu kia.
Như vậy là chúng ta có một tổ hợp nhưng bên trong nó bao gồm có ba màu chứ không phải hai màu.
Trong tổ hợp này thì hai màu giữ vai trò bổ sung. Hai màu này ở phía bên này, có nhiệm vụ bổ sung cho màu được bổ sung đang ở vị trí phía bên kia.
Nghĩa là bên bổ sung có số lượng màu nhiều hơn bên được bổ sung. Bên bổ sung sẽ giữ vai trò làm màu nền hay màu chủ đạo. Còn bên được bổ sung sẽ giữ vai trò làm màu nhấn. Đây cũng là tiền đề ban đầu khi phân tích, học tập về màu để thấu hiểu về cách chọn màu chủ đạo.
Như chúng ta đã biết, trên hình vành khăn của Vòng thuần sắc (Chromatique Circle) thì ba cặp màu: Vàng Tím, Đỏ Lục và Lam Cam là những màu bổ sung, bổ túc cho nhau và vị trí của nó đối diện chính xác với nhau xuyên qua tâm của Vòng tròn. Ngoài ra chúng còn là ba cặp màu tương phản với nhau về tính chất nóng lạnh nữa.
Từ lý luận này chúng ta đi đến một lý luận khác là:
– Trên phạm vi Vòng thuần sắc thì tất cả những cặp màu nào ở vị trí đối diện nhau đều là những cặp màu bổ túc, bổ sung cho nhau.
– Ba cặp màu nói trên: Vàng Tím, Đỏ Lục và Lam Cam là ba cặp màu bổ sung trực tiếp với nhau (xuyên qua tâm vòng tròn, chúng đối diện nhau) và để tiện cho việc phân tích, lý luận chúng ta gọi:
+ Màu Tím bổ sung trực diện của màu Vàng là màu Tím gốc. Màu Vàng bổ sung trực diện của màu Tím là màu Vàng gốc.
+ Màu Cam bổ sung trực diện của màu Lam là màu Cam gốc. Màu Lam bổ sung trực diện của màu Cam là màu Lam gốc.
+ Màu Lục bổ sung trực diện của màu Đỏ là màu Lục gốc. Màu Đỏ bổ sung trực diện của màu Xanh lục là màu Đỏ gốc.
Vậy thì màu bổ sung xen kẽ, hay bổ sung kép là gì, chúng ở vị trí chính xác nào trên Vòng thuần sắc?
– Nếu chúng ta gọi màu Tím gốc là màu bổ sung trực tiếp, trực diện với màu Vàng thì hai màu bổ sung xen kẽ cho màu Vàng chính là hai màu Tím nằm liền kề hai bên màu Tím gốc. Nếu chúng ta muốn tìm, muốn có bốn màu Tím bổ sung cho màu Vàng thì chúng ta có thể lấy mỗi bên màu Tím (màu Tím gốc) hai màu Tím khác nhau.
Từ lý luận này thì chúng ta có thể đảo ngược, bổ sung lại chúng với nhau:
– Màu Vàng cũng là màu bổ sung gốc, trực diện của màu Tím gốc, và hai màu bổ sung xen kẽ hay còn gọi là bổ sung kép cho màu Tím chính là hai màu Vàng ở hai bên màu Vàng gốc, một màu ửng Cam và một màu ửng màu Xanh đọt chuối.
– Màu Cam là màu bổ sung gốc cho màu Xanh lam và ngược lại.
– Màu Đỏ là màu bổ sung gốc cho màu Xanh lục và ngược lại.
Tại sao chúng ta phải nghiên cứu, phân tích các màu bổ sung kép hay còn gọi là màu bổ sung xen kẽ?
– Một trong những quy định có tính nguyên tắc khi phối hai màu tương phản (về nóng lạnh, tươi tái, đậm nhạt, rõ mờ…) với nhau là: không được phối hợp hai màu tương phản có diện tích bằng nhau.
Thật ra nguyên tắc này còn dùng cả trong trường hợp hòa hợp màu đơn sắc (Monochromatic Harmony).
Do vậy, việc tìm hai màu bổ sung kép có tính chất gần giống nhau để “làm nền”, bổ sung cho một màu đối điện là nhằm thực hiện việc tìm cách tạo diện tích lớn hơn của một trong hai màu tương phản. Nó là một trong những ý tưởng gợi ra cách tìm màu chủ đạo.
Như vậy, từ nguyên tắc này, chúng ta có thể tìm rất nhiều màu bổ sung cho một màu: hai bổ sung cho một, bốn bổ sung cho một, sáu bổ sung cho một… Trong quá trình xử lý, tạo sự phong phú cho những màu ở nhiều tình huống khác nhau như: đậm, nhạt, tươi, tái, nóng, lạnh đồng thời tạo những diện tích màu lớn nhỏ khác nhau…
Đây là nền tảng, là phương pháp để tìm màu chủ đạo cho phương pháp hòa hợp màu tương phản hay tương đồng ở dạng tiết kiệm màu nhất.
- Màu tương đồng (Analogous Colors):
Màu tương đồng là những màu có sự giống nhau. Trên vòng thuần sắc, thì màu tương đồng là một đoạn của dãy màu nguyên sắc nối tiếp nhau, đứng kề nhau.
Chúng ta ngắt bất kỳ một đoạn nào trên vòng thuần sắc thì dãy màu ấy giông giống nhau. Đó là màu tương đồng hay màu lân cận (từ “Analogous” có nghĩa là bạn bè, giông giống nhau, tiếng Pháp gọi là “Voisinée”, và màu tương đồng là “Couleur Voisinée”).
Trong khi thực hành, thì dùng các màu giông giống nhau, chứ không cần đúng là những màu nguyên sắc như trên vòng thuần sắc. Nghĩa là màu tương đồng có thể cùng một lúc pha với màu đen hoặc trắng hoặc xám để có các hình thái: đậm nhạt, tươi tái.
Khi muốn tìm hòa màu sắc, để tạo một chủ sắc hay màu chủ đạo, thì dãy màu tương đồng là dãy màu có khả năng làm nền, tạo hòa sắc chung tốt nhất.
Do đó, trong quá trình rèn luyện khả năng hòa hợp màu sắc, giảng viên cũng nên có một số bài tập ứng dụng loại màu này để cho học sinh tập điểm phối màu.
- Màu chủ đạo (Dominant Colors):
Màu chủ đạo là màu chiếm diện tích trội nhất trong toàn bộ diện tích bức tranh. Nó thống trị, chi phối toàn bộ các màu khác, giống như trong một bản nhạc phải có một âm giai chủ đạo. Màu chủ đạo thường là chủ đạo về tính chất nóng lạnh hoặc tươi hoặc tái.
Do đó dù một bức tranh có tới vài ngàn màu nóng, lạnh hòa trộn với nhau, như khi nhìn từ xa thì với sự tương tác, cộng hưởng chúng ta sẽ thấy bức tranh ấy dường như nghiêng về màu nào đó: màu nóng hay lạnh. Màu nóng hay lạnh có khi ở những hình thái: ửng vàng, ửng nâu, ửng đỏ, ửng tím đỏ, tím xanh, xanh lam, xanh lục, xám xanh, ửng xanh rêu, lục xám…
Như vậy, khi gọi màu chủ đạo là màu lạnh, nghĩa là dùng nhiều màu sắc lạnh khác nhau để bố trí thành một hòa sắc lạnh. Sự phối màu ấy tạo ra một không khí chung cho toàn bức tranh. Với màu nóng, cũng sử dụng cách này để tìm màu chủ đạo.
– Sự khác nhau của những màu tạo nên màu chủ đạo, có thể ở dưới các dạng sau đây:
– Sự khác nhau về chuyển sắc hay sắc loại (Nuance) từ một màu cụ thể, chuyển sang một màu nào đó để tạo thành một loạt màu hòa hợp với nhau.
– Sự khác nhau về đậm nhạt, toàn bộ bức tranh có sắc đậm là chính hay sắc sáng là chủ đạo.
– Sự khác nhau về độ tươi, độ sáng chói, độ rực so với độ trầm, độ lắng đọng của màu (màu nguyên sắc pha với đen).
– Sự khác nhau về diện tích lớn hay nhỏ của những loại màu, sắc (tươi, tái, đậm nhạt).
Tại sao phải tìm hiểu, nghiên cứu về màu chủ đạo?
Để cho dễ giải thích về màu sắc trong tranh chúng ta có thể suy luận như sau:
Cho dù bức tranh có đến vài ngàn màu hay vô số màu thì tựu trung bản thân nó quy ra chỉ có ba loại màu mà thôi:
– Thứ nhất là loại màu giữ vai trò làm chủ đạo, giữ vai trò làm nền, làm môi trường không gian diễn tả.
– Thứ hai là loại màu dùng để làm màu nhấn mạnh (Emphatic Colors). Gọi là màu nhấn là vì nó được chọn để tô điểm vào những vị trí, bộ phận, những vùng, chi tiết quan trọng mà họa sĩ muốn người xem chú ý ngay vào.
– Thứ ba là loại màu giữ vai trò tạo sự liên kết giữa màu nền, màu chủ đạo với màu nhấn. Đó là các loại màu trung gian (Intermediary Colors), trung tính (Neutral Colors).
Từ lý luận này, màu chủ đạo phải là màu có khả năng gợi lên hay mô tả được tinh thần, nội dung, không gian, thời gian của chủ đề, nội dung, ý tưởng của tác phẩm. Cũng có khi nó thể hiện nên cái tinh thần riêng mà bản thân tác giả muốn.
Trên thực tế, sự cảm thụ màu sắc còn tùy thuộc vào phái tính, lứa tuổi, thành phần xã hội, tập quán, thị hiếu, của đối tượng thưởng ngoạn.
Do vậy, việc chọn lựa màu chủ đạo cho bức tranh nên dựa vào các tiêu chí như sau:
– Dựa theo đề tài, chủ đề tác phẩm.
– Dựa vào không gian, thời gian của nội dung mà tác phẩm đề cập, diễn tả. (trong tác phẩm hai chiều, ba chiều hay không gian, môi trường sàn diễn trên sân khấu…).
– Dựa vào màu sắc, môi trường mà tác phẩm sẽ phải phối hợp, sử dụng. Đó là trường hợp dùng màu trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí: chọn màu cho trang phục, quân phục, cho trang trí nội thất…
– Dựa vào tâm sinh lý, lứa tuổi, phái tính, thành phần xã hội của người cảm thụ … (trang trí hàng hoa, vải vóc…)
– Dựa vào thời tiết, khí hậu: (trong trang trí nội thất để tạo ra ảo giác…)
– Dựa vào mục đích gây ấn tượng mà tác giả muốn dẫn dắt cảm xúc của người xem: vui, buồn, thanh nhã, trầm lắng, rạng rỡ, ấm cúng, lạnh lẽo, âm u